Dự kiến, tỉnh Bình Dương sẽ chi hơn 10.000 tỷ đồng cho hàng loạt dự án nâng cấp Quốc lộ 13, đường vành đai 3… để tạo kết nối vùng, tạo lực đẩy phát triển đô thị.
Triển khai nhiều tuyến giao thông trọng điểm tại Bình Dương
Chủ đầu tư dự án, Tổng công ty Becamex IDC vừa chính thức khởi công dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 đoạn từ giáp ranh TP.HCM đến TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương với chiều dài hơn 12km quy mô từ 6 làn lên 8 làn xe.
Thông tin từ Tổng công ty Becamex IDC cho biết, đơn vị này sẽ triển khai dự án theo từng giai đoạn, từng khu vực để thuận tiện cho các phương tiện lưu thông. Dự án mở rộng sẽ được làm dần, từ cổng khu công nghiệp VSIP 1, TP.Thuận An đến đoạn giao cắt với đường Lê Hồng Phong, TP.Thủ Dầu Một.
Tuyến đường đã có sẵn 6 làn xe, chủ đầu tư sẽ tiếp tục nâng cấp thêm 2 làn tổng diện tích nền đường rộng 40,5m (8 làn xe), với số vốn đầu tư 1.367 tỷ đồng, tiếp tục được triển khai theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao).
Dự án giao thông trọng điểm tại Bình Dương được triển khai, kích cầu thị trường bất động sản
Theo nhiều chuyên gia, việc mở rộng quốc lộ 13 là điều rất cần thiết, đây là một trong những tuyến đường được kết nối giao thông, kết nối các vùng với nhau.
UBND tỉnh Bình Dương cũng đang nghiên cứu xây dựng thêm cầu vượt ở các nút giao thông lớn, đông xe như: Nút giao đại lộ Hữu Nghị – ngã tư Bình Hòa, nút giao thông Hòa Lân… và xây hầm chui tại ngã năm Phước Kiến (giao giữa quốc lộ 13 và đường Huỳnh Văn Cù nối sang Củ Chi, TP.HCM), hầm chui tại ngã tư Chợ Đình (giao giữa quốc lộ 13 và đường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một).
Ngoài việc nâng cấp mở rộng quốc lộ 13, mới đây Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương cho biết, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết bố trí vốn cho tuyến đường vành đai 3, TP.HCM đoạn qua tỉnh Bình Dương.
Cụ thể, ở dự án đường vành đai 3, đoạn qua Bình Dương dài hơn 26 km (trong đó tỉnh Bình Dương đã chủ động đầu tư và đưa vào sử dụng 15,3 km, đoạn đường Mỹ Phước – Tân Vạn), hiện còn 10,7 km chưa đầu tư với nhu cầu vốn khoảng 19.300 tỷ đồng, đã được Thủ tướng đồng ý phân bổ ngân sách trung ương và tỉnh theo tỉ lệ mỗi bên 50%.
HĐND tỉnh Bình Dương cho hay, theo kế hoạch, việc phân bổ vốn nói trên trong giai đoạn 2022 – 2027 nhưng để đẩy nhanh dự án, tỉnh Bình Dương kiến nghị trung ương bố trí vốn trong 2 năm 2023 – 2024, phần vốn còn lại tỉnh sẽ quyết tâm bố trí để hoàn thành trong năm 2024 (sớm hơn 3 năm).
Dự kiến, công tác đền bù giải tỏa trong tháng 6/2022 ngay khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư và các cơ chế đặc thù. Theo đó, ước tính tổng mức đầu tư dành cho dự án đường vành đai 3, TP.HCM trên địa bàn tỉnh Bình Dương khoảng 9.640 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021-2025 là 7.808 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là 1.832 tỷ đồng.
Đối với dự án đường vành đai 4 TP.HCM, Thủ tướng giao UBND tỉnh Bình Dương triển khai thực hiện đoạn từ cầu Thủ Biên (bắc ngang sông Đồng Nai, nối 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai) đến sông Sài Gòn dài khoảng 48,3 km.
Hiện, Bình Dương đã chủ động hoàn thành nhiều đoạn của tuyến đường với chiều dài 26,6 km, còn lại 21,7 km chưa đầu tư. Theo kế hoạch, tới năm 2030 đường vành đai 4 TP.HCM mới hoàn thành nhưng UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị cho tỉnh được đầu tư các đoạn còn lại từ nguồn vốn hỗn hợp để có thể hoàn thành dự án trong năm 2024 (sớm hơn 6 năm).
Dự án bất động sản “ăn theo” hạ tầng
Mặc dù các dự án giao thông trọng điểm đã được lên kế hoạch từ lâu, nhưng với việc tỉnh Bình Dương quyết tâm “chạy đua” để sớm hoàn thành các dự án đã khiến cho toàn bộ khu vực hạ tầng, tiện ích xung quanh “nóng lên”.
Cụ thể, việc nâng cấp quốc lộ 13, con đường “tơ lụa” quan trọng bậc nhất cho sự phát triển của Bình Dương và Bình Phước, đồng thời kết nối các tỉnh Tây Nguyên sẽ tác động lớn đến các dự án bất động sản. Trục đường này xuất hiện kết nối các khu công nghiệp như khu công nghiệp VSIP 1, khu công nghiệp Mỹ Phước, Bàu Bàng… và hiện nay đã được nối liên thông qua Bình Phước, tới biên giới.
Chính vì giao thương thuận lợi, các khu công nghiệp nổi lên, nên các nhà đầu tư bất động sản đang tăng tốc xây dựng phát triển hàng loạt các dự án nhà ở trên trục đường huyết mạch này.
Chỉ tính riêng trên trục quốc lộ 13 đoạn qua TP.Thuận An và TP.Thủ Dầu Một đã có hàng chục dự án nhà ở, căn hộ thương mại… như các dự án Roxanaplaza; Marinatower; Astral City, Chung cư Lê Phong, Bình Dương; Căn hộ Habitat (3 giai đoạn); Dự án Lavita Hưng Thịnh; Dự án Happy one Vạn Xuân; Dự án C-Skyview… hay một số dự án tiệm cận ở các tuyến đường xương cá cũng đang được xây dựng phát triển rầm rộ.
Bà Nguyễn Hương – Giám đốc Đại Phúc Land cho biết: “Tuyến quốc lộ 13 là con đường huyết mạch nối TP.HCM – Bình Dương – Bình Phước và các tỉnh Tây nguyên. Đây là một trong những dự án trọng điểm được UBND TP.HCM và các tỉnh quan tâm. Việc quốc lộ được mở rộng sẽ không chỉ là kết nối hạ tầng, mà sẽ mang đến hàng loạt lợi ích như phát triển đồng bộ khu vực, tạo nên giao thương hàng hoá, nâng giá trị quỹ đất xung quanh”.
Ông Ngô Quang Phúc – Tổng giám đốc Phú Đông Group nhận định, sự phát triển của một dự án bất động sản phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau để tạo nên giá trị. Trong đó, việc nằm ở vị trí nào và có kết nối thuận tiện giao thông hay không là điều tiên quyết giúp cho dự án đó thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư.
“Bình Dương là tỉnh cận kề TP.HCM, hạ tầng kết nối giữa 2 địa phương này rất thông suốt, giao thương qua lại, thời gian di chuyển ngắn… nên được nhiều nhà đầu tư, người mua nhà quan tâm. Hạ tầng tốt thì tiện ích chắc chắn sẽ tăng theo, việc mở rộng tuyến quốc lộ 13 sẽ nâng tầm cho toàn bộ khu vực. Trong đó các dự án tiệm cận tuyến đường lớn nối qua TP.HCM như Phạm Văn Đồng, quốc lộ 13 chắc chắn sẽ là điểm đến cho công ty bất động sản”, ông Phúc chia sẻ.
Theo Dân Việt