Nhắc đến tỉnh Bình Dương, đa phần mọi người thường nghĩ ngay đến thành phố Thủ Dầu Một. Tuy nhiên, còn có một thành phố khác với tuổi đuổi trẻ nhưng có nhiều tiềm năng phát triển là Thuận An. Được nâng lên cấp Thành phố khá muộn (từ năm 2020) nhưng bản thân thành phố trẻ này đã và đang không ngừng tận dụng các lợi thế sẵn có để nâng cao giá trị và vị thế của mình.
1. Một số thông tin tổng quan về thành phố Thuận An Bình Dương
Thành phố Thuận An Bình Dương có tiền thân là thị xã Thuận An, được thành lập vào tháng 1 năm 2011 theo Nghị quyết 04/NQ-CP do Chính phủ ban hành. Lúc này thị xã có tất cả 7 phường và 3 xã trực thuộc. Đến năm 2013, 2 xã đã được chuyển thành phường nên Thuận An có tổng cộng 9 phường và 1 xã trực thuộc.
Thuận An đã được công nhận là Đô thị loại III vào năm 2017 nhưng phải đến tháng 2 năm 2020 thì nơi này mới chính thức nhận được Nghị quyết công bố thành lập thành phố cùng tên. Như vậy hiện nay Thuận An chính là một trong các thành phố thuộc tỉnh Bình Dương và vẫn giữ nguyên ranh giới địa lý cũng như dân số như thị xã trước đó.
Một phần của thành phố Thuận An hiện nay
Về vị trí địa lý
Thuận An nằm về phía Nam của tỉnh Bình Dương. Đây được coi là điểm ở giữa thành phố Thủ Dầu Một (thủ phủ của Bình Dương) và Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đánh giá của giới đầu tư, Thuận An có vị trí địa lý tương đối sáng giá, có thể đáp ứng tốt các nhu cầu giao thương cũng như phát triển văn hóa trong tương lai.
Để các bạn độc giả dễ hình dung thì thành phố Thuận An Bình Dương tiếp giáp với các đơn vị hành chính sau:
– Phía đông Thuận An giáp thành phố Dĩ An (Dĩ An cũng là một thành phố trẻ trực thuộc tỉnh Bình Dương. Hiện nay nơi này được xem như trung tâm công nghiệp, kinh tế mới của tỉnh. Dân số của Dĩ An tương đối đông, quy mô dân số đứng thứ 3 trong nhóm các thành phố trực thuộc tỉnh trên cả nước).
– Phía Tây Thuận An giáp với Quận 12 và huyện Củ Chi, Hóc Môn của Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên ở hướng này thì Thuận An bị chia cách với địa bàn thành phố mang tên Bác bởi sông Sài Gòn.
– Phía Nam Thuận An giáp thành phố Thủ Đức. Đây là thành phố mới được thành lập của Thành phố Hồ Chí Minh với tiềm năng phát triển kinh tế, văn hoá lớn.
– Phía Bắc Thuận An giáp thành phố Thủ Dầu Một – trung tâm hành chính, kinh tế, văn hoá quan trọng của Bình Dương và một phần của thị xã Tân Uyên.
Về diện tích
Theo công bố của các cơ quan hành chính địa phương, thành phố Thuận An Bình Dương có diện tích khoảng 83,71 km2. Đến nay Thuận An đang là thành phố lớn nhất tỉnh về mặt dân số với khoảng 603.539 cư dân sinh sống (số liệu tính đến năm 2019). Với con số này, thậm chí Dĩ An còn có cộng đồng dân cư đông hơn cả thủ phủ của Bình Dương là Thủ Dầu Một. Mật độ dân số của thành phố đạt mức 7.210 người/km2.
Về hành chính
Như đã đề cập ở trên, Thuận An đã được Nhà nước chuyển đổi 2 xã lên cấp phường vào năm 2013 và từ đó đến nay chưa có thêm thay đổi nào về mặt hành chính. Như vậy hiện tại quy hoạch thành phố Thuận An Bình Dương có tổng cộng 10 đơn vị hành chính trực thuộc với 9 phường và 1 xã. Các đơn vị này lần lượt bao gồm:
- Phường An Phú.
- Phường An Thạnh.
- Phường Bình Chuẩn.
- Phường Bình Hoà.
- Phường Bình Nhâm.
- Phường Hưng Định.
- Phường Lái Thiêu.
- Phường Thuận Giao.
- Phường Vĩnh Phú.
- Xã An Sơn.
Trong số các đơn vị hành chính trên, Lái Thiêu và An Thạnh là hai phường lớn, có lịch sử phát triển lâu đời hơn cả. Cụ thể, Lái Thiêu và An Thạnh trước đây là hai thị trấn thuộc huyện Thuận An cũ, được xem là hai trung tâm dân cư và thương mại lâu đời nhất tại Thuận An từ thời vua Minh Mạng. Đến nay hai phường trên vẫn tiếp tục phát triển bên cạnh các phường, xã trẻ khác.
2. Thành phố Thuận An Bình Dương năng động, tích cực phát triển kinh tế và văn hoá
Tuy Thuận An được nâng lên cấp Thành phố khá muộn (từ năm 2020) nhưng bản thân thành phố trẻ này đã và đang không ngừng tận dụng các lợi thế sẵn có để nâng cao giá trị và vị thế của mình. Trong nhiều quý, Thuận An giữ vững vị trí tiên phong, đầu tàu tích cực trong phát triển mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Các tờ báo kinh tế đã dành nhiều lời khen có cánh cho thành phố vì tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao.
Thành phố Thuận An đang có mức tăng trưởng đáng kinh ngạc
Thu nhập bình quân đầu người của Thuận An ước tính đạt đến 143,88 triệu đồng/người/năm (theo công bố tổng kết nhiệm kỳ 2015 – 2020). Con số này gấp gần 2,4 lần so với thu nhập bình quân trên cả nước. Nguồn thu ngân sách của Thuận An cũng tương đối dồi dào khi luôn đạt mức tăng bình quân khoảng 6,43%/năm.
Về công nghiệp
Hiện nay Thuận An đang tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp thành công nghiệp và dịch vụ, thương mại. Theo đó nông lâm nghiệp chỉ chiếm khoảng 0,36% trong khi công nghiệp chiếm đến 73,35% và vẫn có dấu hiệu tăng vào nhiệm kỳ tới. Theo đó, người lao động trình độ cao hoàn toàn có thể tiếp cận với việc làm Thuận An Bình Dương một cách dễ dàng, tạo tiền đề quan trọng để phát triển công nghiệp.
Trên địa bàn thành phố, chính quyền các cấp đã thực hiện quy hoạch và đầu tư 3 khu công nghiệp trọng điểm cùng 2 cụm công nghiệp tập trung. Thuận An đã thu hút được tới hơn 2000 doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động và hợp tác với thành phố. Định hướng trong tương lai thành phố sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận gần hơn với khu công nghiệp và cụm khu công nghiệp sẵn có. Hiện nay tổng số doanh nghiệp có đóng góp trực tiếp cho phát triển công nghiệp là khoảng 400 doanh nghiệp.
Cơ cấu sản xuất công nghiệp của các đặc khu này cũng được thành phố giám sát tương đối chặt chẽ nhằm đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Cụ thể, trong tổng số 27 ngành sản xuất đang hoạt động thì một số ngành sau đây chiếm tỷ trọng lớn, thu về nhiều thành tựu đáng kể:
- Công nghiệp chế biến thực phẩm với hơn 19% tỷ trọng.
- Công nghiệp sản xuất đồ uống chiếm khoảng 12%.
- Công nghiệp sản xuất đồ gỗ, đồ mỹ nghệ đạt khoảng 14%.
- Công nghiệp sản xuất kim loại chiếm 13,4%.
- …
Một số khu công nghiệp tiêu biểu trên địa bàn thành phố Thuận An Bình Dương bao gồm:
- Khu công nghiệp VSIP 1 hợp tác với Singapore.
- Khu công nghiệp Đồng An.
- Khu công nghiệp Việt Hương.
Về xã hội
Bên cạnh các tiềm năng về kinh tế, thành phố Thuận An Bình Dương cũng không ngừng phát triển lĩnh vực văn hóa xã hội một cách hài hòa và tích cực. Trước hết, thành phố chú trọng chăm lo đời sống dân sinh, tăng cường công tác hỗ trợ các đối tượng chính sách. Cùng với nguồn thu tài chính lớn, nguồn chi cho bảo hiểm xã hội thành phố Thuận An được đánh giá là hiệu quả. Thành phố hoàn thành tốt mục tiêu xóa đói giảm nghèo, đảm bảo cho dân cư được tiếp xúc với điều kiện sống văn minh, hiện đại.
Thuận An hiện có cả nhóm bệnh viện công lập và tư nhân với nhiều trang thiết bị hiện đại, cung ứng số lượng giường bệnh cũng như chất lượng khám chữa bệnh cho bà con. Một số nhu cầu khác của người dân như giáo dục, vui chơi, giải trí, giao lưu văn hoá cũng rất được quan tâm nhờ hệ thống trường học các cấp, công viên, khu vui chơi giải trí, bưu điện Thuận An Bình Dương,…
Địa bàn thành phố hiện đang có khoảng 7 trung tâm thương mại, gồm: AEON, Lotte Mart, Minh Sáng Plaza,… cùng 5 siêu thị, 24 khu chợ chia đều trên địa bàn 10 phường, xã.
Tỷ lệ đô thị hoá của Thuận An đã đạt tới 98,5% và số lao động phi nông nghiệp chiếm đến 70%. Đây là thành tựu rất đáng kể mà một thành phố trẻ như Thuận An có thể đạt được chỉ trong thời gian ngắn, từ năm 2017 đến nay.
Một góc AEON Thuận An
Về phát triển hạ tầng, quy hoạch đô thị
Nhờ các thành tựu của quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá mà Thuận An đã thuận lợi thu hút khá nhiều nguồn vốn đầu tư đến từ các doanh nghiệp và tổ chức. Thông qua nguồn vốn đầu tư này, thành phố đã giảm đáng kể gánh nặng tài chính mà cơ sở hạ tầng vẫn được hoàn thiện nhanh, tiếp tục hỗ trợ kế hoạch tái đầu tư trong tương lai. Nhiều khu đô thị mới đã xuất hiện, đáp ứng nhu cầu nâng cao đời sống của cộng đồng dân cư. Trong số đó phải kể đến một số cái tên tiêu biểu như:
- Khu đô thị An Phú Hưng.
- Khu đô thị An Thạnh.
- Khu đô thị Eco Xuân Lái Thiêu.
- Khu đô thị The Seasons.
- Khu đô thị Vĩnh Phú I.
- …
Không chỉ đạt được nhiều thành tựu trong quy hoạch, phát triển đô thị, thành phố Thuận An Bình Dương đã đồng loạt cải thiện hệ thống đường bộ. Trong số đó, các tuyến đường cao tốc trọng điểm nối Thành phố Hồ Chí Minh và Thủ Dầu Một hiện đã hoàn thành, thông xe và đem lại thuận lợi lớn cho phát triển kinh tế. Một số tuyến đường liên huyện, liên tỉnh cũng đang được tu bổ. Một số dự án phát triển hạ tầng giao thông có thể kể đến như:
- Cầu vượt tại nút giao ngã 6 An Phú.
- Cải tạo quốc lộ 13 lên 6 làn xe chạy nối trực tiếp Bình Dương với Thành phố Hồ Chí Minh.
- Cầu vượt tại giao lộ cầu Ông Bố và quốc lộ 13. Cầu vượt này sẽ rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển từ Thuận An đến Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhiều cung đường ở Thuận An đang được mở rộng
3. Thị trường bất động sản thành phố Thuận An Bình Dương
Có thể nói Thuận An nói riêng và Bình Dương nói chung đang có rất nhiều lợi thế đáng chú ý thu hút giới đầu tư. Thành phố không ngừng chuyển mình mạnh mẽ và trở thành trung tâm tài chính mang sức bật đáng nể trong tương lai. Bản thân thành phố cũng quy tụ được nhiều dự án khu vui chơi giải trí cũng như trung tâm thương mại, bệnh viện và khu công nghiệp năng động. Giao thông từ Thuận An kết nối khá dễ dàng đến sân bay, cảng biển và đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh.
Từ các điểm sáng kể trên, không quá ngạc nhiên khi thị trường bất động sản tại thành phố Thuận An Bình Dương được giới đầu tư chú ý. Theo thống kê của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, giá đất tại Thuận An giai đoạn 2020 – 2024 đã tăng từ 5 – 30%. Đây là định mức tương đối đáng kể và thậm chí vẫn chưa có dấu hiệu giảm trong tương lai. Các ông lớn bất động sản như Tập đoàn Tecco, Đất Xanh, DCT Group,… đều đã có mặt tại thành phố này.
Theo công bố của Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, chỉ riêng thành phố Thuận An đã chiếm tới hơn 100 dự án đã được tỉnh cấp phép xây dựng trên tổng số gần 400 dự án được phê duyệt.
Các dự án bất động sản tại Thuận An đang mọc lên từng ngày
Trên đây là một số thông tin cơ bản liên quan đến thành phố Thuận An Bình Dương. Có thể nói đây chính là thành phố trẻ đáng chú ý trên địa bàn tỉnh tính đến thời điểm hiện tại. Trong tương lai chắc chắn nơi này sẽ còn đông đúc và phát triển hơn nữa.
Theo Bất động sản